Tác giả: Đại tá Vũ Ngọc Tuấn-Trưởng phòng kỹ thuật điện tử Y tế và an toàn bức xạ
Viện Điện tử/ Viện KH-CN quân sự. Điện thoại: 0983416172
Laser châm cứu sử dụng năng lượng laser công suất thấp chiếu trực tiếp lên các huyệt vị kinh điển trong Đông y châm cứu, là phương pháp điều trị được sử dụng phổ biến ở các nước phương Đông cũng như các nước phát triển. Châm cứu bằng laser sẽ thực hiện các phép châm gần giống như châm cứu truyền thống (gồm: bổ, tả, bình bổ, bình tả…) thông qua các thông số của laser như: tần số điều biến chùm tia, công suất phát xạ, thời gian điều trị tại từng huyệt vị trên cơ thể. Ngoài ra, khi chiếu chùm laser lên các huyệt vị của cơ thể sống, một loạt phản ứng quang hóa, quang sinh, hóa học cũng như các quá trình vật lý sẽ liên tiếp xảy ra. Các phân tử trong tế bào được chuyển lên trạng thái kích thích với hoạt tính sinh học mạnh hơn, sắp xếp lại các quá trình phản ứng của tế bào, từ đó cơ thể tự xác lập lại những thay đổi rất đa dạng ở mức độ tế bào, tạo nên nhiều đáp ứng tích cực tới các hệ thống chức năng của cơ. Việc này đóng vai trò quan trọng trong điều trị, nhờ đó châm cứu bằng laser tạo ra nhiều đáp ứng ưu việt hơn so với châm cứu cổ truyền phương Đông mà y học hiện đại đã khẳng định như: chống viêm, chống đau, chống tổn thương và tái sinh tế bào, tăng hệ miễn dịch, hệ tim mạch, hệ nội tiết . Trong laser châm cứu, bước sóng của laser đóng vai trò khá quan trọng, đã được nhiều kết quả nghiên cứu lâm sàng trên thế giới khẳng định. Trong đó, việc tác động laser hai bước sóng (thường kết hợp laser 650nm và 808nm) cho hiệu ứng kích thích sinh học mạnh hơn, tăng 1,5 – 2 lần so với một bước sóng.
Laser châm được chỉ định rộng rãi trong điều trị đau và các chứng liệt: đau vai gáy, đau quanh khớp vai, đau lưng, đau thần kinh toạ, hội chứng đường hầm cổ tay; liệt dây thần kinh VII ngoại biên; Di chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não ở người cao tuổi; Bại liệt ở trẻ con sau đợt sốt cao kéo dài; Di chứng bại não ở trẻ con; Di chứng do chấn thương sọ não; Bệnh trĩ, hậu môn các loại; Phì đại tuyến tiền liệt; Bệnh về thần kinh, cơ, xương, khớp các loại.
Kỹ thuật điều trị một số bệnh thường gặp bằng thiết bị Laser Doctor Home – DH18.
1.1. Điều trị hội chứng cổ vai gáy
Triệu chứng: Hội chứng đau cổ, vai, gáy là bệnh thường gặp trong lâm sàng, liên quan đến bệnh lý về đốt sống cổ. Tuỳ theo mức độ và vị trí tổn thương, bệnh nhân có những rối loạn cảm giác và vận động, thường đau hoặc tê sau gáy, lan xuống vai và cánh tay, có thể đơn độc hoặc kết hợp yếu làm giảm trương lực các cơ tương ứng với các rễ thần kinh bị thương tổn chi phối.
Nguyên nhân: Đau vai gáy do thoái hoá đốt sống cổ, chèn ép tuỷ cổ như viêm tuỷ, thoát vị đĩa đệm…
Phác đồ huyệt:
Các huyệt được sử dụng trong điều trị bằng laser châm cũng tương tự như các huyệt trong phác đồ của châm cứu truyền thống. Tuy nhiên, việc sử dụng Á thị huyệt (các huyệt phát sinh tại các điểm đau) được ưu tiên áp dụng nhiều hơn. Ngoài ra, cần sử dụng thêm các bộ huyệt truyền thống liên quan để nâng cao hiệu quả điều trị như: Phong trì, Phong phủ, Bách lao, Đại trữ, Kiên tỉnh, Kiên trung du, Nhu du, Cự cốt, Phong môn.
Thủ thuật điều trị:
- Xác định chính xác vùng huyệt, sử dụng giá định vị đầu chiếu laser chiếu tia thẳng góc với huyệt, cách mặt da từ 0,1cm đến 0,5cm.
- Đặt đầu laser nội tĩnh mạch (laser 650nm/25mW) lên huyệt Nội quan.
- Đặt 4 đầu laser châm cứu (kênh 2 đến kênh 5, laser hai bước sóng 650nm + 808nm/220mW) trực tiếp lên điểm đau vùng va, gáy.
- Chiếu đầu laser châm cứu còn lại (kênh 6, laser hai bước sóng 650nm + 808nm/220mW) vào từng huyệt (chọn các huyệt chính trong bộ huyệt: Phong trì, Phong phủ, Bách lao, Đại trữ, Kiên tỉnh, Kiên trung du, Nhu du, Cự cốt, Phong môn). Thời gian chiếu tối đa 2 phút/huyệt cho đến khi hết các huyệt theo phác đồ.
Liệu trình điều trị:
– Thời gian điều trị:
+ Chế độ phát xung: từ 10 đến 30 phút/lần điều trị;
+ Chế độ phát liên tục: từ 5 đến 15 phút/lần điều trị;
– Liệu trình điều trị:
+ Bệnh cấp tính: mỗi ngày điều trị từ 1 – 2 lần, mỗi liệu trình từ 7 – 15 ngày.
+ Bệnh mãn tính: mỗi ngày điều trị 1 lần, mỗi liệt trình từ 1 – 3 tuần.
1.2. Điều trị liệt nửa người do di chứng tai biến mạch máu não (thể nhồi)
Triệu chứng: Bệnh nhân bị liệt nửa người ở các thể sau tai biến mạch máu não. Bệnh được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn cấp tính: trong vòng 4 tuần kể từ khi phát bệnh.
Giai đoạn phục hồi: từ tuần thứ 5 đến nửa năm.
Giai đoạn di chứng: sau nửa năm kể từ khi phát bệnh.
Nguyên nhân: do một số bệnh lý về mạch máu não, thiếu máu não cục bộ, tắc mạch máu tại chỗ hoặc do bị lấp mạch từ nơi khác đưa đến.
Phác đồ huyệt:
Sử dụng kết hợp laser nội tĩnh mạch không xâm lấn chiếu ngoài da vùng tĩnh mạch nông (cổ tay, lỗ mũi, khớp gối, dưới lưỡi…) và laser châm cứu hai bước sóng chiếu vào các huyệt trong châm cứu truyền thống như: Nhân nghênh, Phong trì, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Hợp cốc, Bát tà, Giáp tích bên liệt, Thận du, Đại trường du (2 bên), Hoàn khiêu, Ủy trung, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Tuyệt cốt, Giải khê.
Thủ thuật điều trị:
Giai đoạn phục hồi di chứng cần được phối hợp điều trị nguyên nhân và phục hồi chức năng. Sử dụng máy laser hai bước sóng để điều trị di chứng tai biến mạch máu não nên được áp dụng sớm nhất có thể từ giai đoạn phục hồi trở về sau (ngay sau giai đoạn cấp tính).
– Đầu laser nội tĩnh mạch (kênh 1, laser 650nm/25mW) cố định tại cổ tay, nơi có các tĩnh mạch đi qua.
– Đặt 5 đầu laser châm cứu (kênh 2 – kênh 6, laser hai bước sóng 650nm + 808nm/220mW) lên 5 huyệt cùng lúc và thay đổi trong các huyệt sau: Nhân nghênh, Phong trì, Kiên tỉnh, Kiên ngung, Tý nhu, Khúc trì, Thủ tam lý, Hợp cốc, Bát tà, Giáp tích bên liệt, Thận du, Đại trường du (2 bên), Hoàn khiêu, Ủy trung, Dương lăng tuyền, Túc tam lý, Tuyệt cốt, Giải khê.
Liệu trình điều trị:
– Thời gian điều trị: từ 30 – 40 phút/lần, mỗi ngày điều trị 1 lần.
– Liệu trình điều trị :
+ Tháng đầu tiên: từ 15 – 30 ngày, nghỉ 1 tháng sau đó điều trị tiếp 10 ngày.
+ Các năm sau: mỗi năm điều trị 1 liệu trình 10 ngày.
Áp dụng liệu trình này, ngoài việc nhanh chóng khắc phục hậu quả của di chứng tai biên mạch máu não, phục hồi chức năng vận động cho người bệnh, khôi phục khả năng làm việc của bộ não, khôi phục trí nhớ, còn có tác dụng tốt trong phòng ngừa tai biến lần tiếp theo, khả năng miễn dịch của cơ thể được cải thiện, phát huy cao nhất khả năng tự chữa bệnh của hệ thống sống.
1.3. Điều trị các vết bỏng và các vết thương lâu liền
Triệu chứng: Các vết thương hở, viêm loét lâu liền, các vết bỏng rộng, sâu.
Nguyên nhân: Do bỏng nặng, bị thương bề mặt da gây vết thương hở, vết mổ.
Thủ thuật điều trị:
Sử dụng cụm đầu phát laser chiếu bao phủ khu vực vết thương hoặc chiếu từng điểm điều trị theo mép của vết thương.
Liệu trình điều trị:
– Thời gian điều trị tùy theo diện tích vết thương:
+ Diện tích ≤ 10 cm2: điều trị không quá 30 phút/lần.
+ Diện tích > 10 cm2: có thể tăng thời gian điều trị, nhưng không quá 40 phút/lần.
– Lưu ý:
+ Bệnh cấp tính: mỗi ngày từ 1 –2 lần, mỗi liệu trình từ 5 – 10 ngày.
+ Bệnh mãn tính: mỗi ngày 1 lần, mỗi liệu trình từ 2 – 4 tuần.
2. Một số lưu ý khi điều trị bằng thiết bị laser nội tĩnh mạch không xâm lấn và laser châm cứu hai bước sóng
Nếu người bệnh xuất hiện các nốt đỏ ở da, mẩn ngứa (do cơ địa quá mẫn cảm với ánh sáng laser), cần tạm dừng ngay điều trị từ 1 –3 ngày cho đến khi các nốt đỏ trên da không còn.
Khi điều trị bệnh bằng thiết bị laser nội tĩnh mạch không xâm lấn và laser châm cứu hai bước sóng, cần lưu ý một số nội dung chống chỉ định sau:
– Phát hiện những thay đổi bất thường của da không rõ nguyên nhân.
– Bệnh nhân bị tiền ung thư, u ác tính.
– Người bệnh trong và sau điều trị các thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao
– Người bệnh bị động kinh.
– Người bệnh đang trong tình trạng huyết áp cao, sốt cao, suy tim, loạn nhịp tim.
– Không chiếu laser vào vùng thóp của trẻ vị thành niên, cạnh các tuyến nội tiết (tuyến giáp, tinh hoàn…)
Hình ảnh máy điều trị Laser 2 bước sóng Doctor Home. Model DH-18 của Tsun Việt Nam